Triển khai thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh

(NTO) UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, đối với mục tiêu chung, xác định ngoại ngữ là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trên các lĩnh vực.

Đến năm 2025, đa số thanh niên tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp có đủ năng lực ngoại ngữ để sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, tiếp tục triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc; tăng cừờng năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển địa phương; tạo nền tảng phổ cập ngoại ngữ cho giáo dục phổ thông vào năm 2025. Về các mục tiêu cụ thể, đối với giáo dục mầm non: Đến năm 2025, khuyến khích phấn đấu đạt từ 20% đến 30% số cơ sở giáo dục mầm non triển khai hoạt động cho trẻ em làm quen với ngoại ngữ; 10% số cơ sở giáo dục mầm non có phòng dạy tiếng Anh; 100% giáo viên tiếng Anh giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn trình độ tiếng Anh theo quy định. Đối với giáo dục phổ thông: Triển khai đồng bộ các hoạt động của Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018-2025; Mở rộng quy mô dạy học tiếng Anh 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia; Triển khai đại trà chương trình tiếng Anh 10 năm bắt đầu từ lớp 3 (Lớp 3,4,5 học 4 tiết/tuần) nhằm đạt chuẩn đầu ra theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phấn đấu đến năm 2022 có từ 30% đến 40% các trường Tiểu học có lớp làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 (2 tiết/tuần và không đưa vào tiêu chí đánh giá học sinh); 100% giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định cho từng cấp học; Đến năm 2025, phấn đấu 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 được học chương trình tiếng Anh 10 năm; một số trường THPT triển khai việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh; Triển khai dạy ngoại ngữ 2 ở một số trường phổ thông có điều kiện; 100% giáo viên ngoại ngữ được tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp giảng dạy; 100% các trường có phòng học ngoại ngữ và tủ sách ngoại ngữ. Đối với giáo dục nghề nghiệp: Đến năm 2020, có 25% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra của ngành, nghề đào tạo; 100 học sinh, sinh viên các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng được học ngoại ngữ; 30% học sinh, sinh viên học các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia được học các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ; Đến năm 2025, có 50% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra của ngành, nghề đào tạo; 100% học sinh, sinh viên các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng được học ngoại ngữ; 70% học sinh, sinh viên học các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia được học các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ. Đối với các cơ sở đào tạo có ngành sư phạm ngoại ngữ: Xây dựng và triển khai dạy học ngoại ngữ cho sinh viên chuyên ngành và không chuyên ngành theo chuẩn kiến thức và kỹ năng dựa theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam; triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra của ngành, nghề đào tạo. Phấn đấu 100% giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ quy định theo trình độ đào tạo. Đối với giáo dục thường xuyên: Đến năm 2022, hoàn thành việc xây dựng chương trình giảng dạy ngoại ngữ trong giáo dục thường xuyên và triển khai dạy học ngoại ngữ cho 50% học sinh THPT hệ GDTX và triển khai một số chương trình bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục, ưu tiên chương trình tự bồi dưỡng; Đến năm 2025, triển khai dạy học ngoại ngữ cho100% học sinh THPT hệ GDTX và tổ chức bồi dưỡng năng lục ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành (không bao gồm đọi ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ).

Để triển khai thực hiện đạt kết quả mục tiêu đề ra, Kế hoạch của UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đó là: Triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm cấp học phổ thông; Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trong dạy học và đào tạo ngoại ngữ; Phát triển đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ; Đẩy mạnh công tác truyền thông, hợp tác quốc tế, xây dụng môi trường dạy và học ngoại ngữ; Nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến việc dạy và học ngoại ngữ; Đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ; Nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch.

Kế hoạch giao trách nhiệm cho các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.